Cuộc sống trước khi kế vị Tấn Huệ Đế

Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm có 2 hoàng hậu cùng mang họ Dương. Bà thứ nhất là Dương Diễm, bà thứ hai là Dương Chỉ[1]. Tư Mã Trung là con thứ hai của Vũ Đế với Dương Diễm[2]. Ông ra đời trong thời Tam Quốc, khi ông nội là Tư Mã Chiêu đang nắm thực quyền điều hành nước Tào Ngụy.

Hoàng hậu Dương Diễm sinh được 3 người con trai, người con cả mất sớm khi còn nhỏ nên Tư Mã Trung trở thành con lớn nhất của Tấn Vũ đế. Khi Tư Mã Viêm lấy ngôi của Tào Ngụy lập ra nhà Tấn (265), Tư Mã Trung lên 7 tuổi. Năm 267, Tư Mã Trung được vua cha lập làm thái tử, khi đó ông mới 9 tuổi.

Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển, không có năng lực như người bình thường, các sử gia thường gọi là người ngây ngốc[2]. Năm lên 10 tuổi, Trung được vua cha ban cho cung nhân Tạ Cửu. Tạ Cửu từ chỗ hầu hạ Vũ Đế được sai hậu hạ thái tử Trung, được phong làm Tài nhân.

Vũ Đế kén vợ cho thái tử, muốn chọn con gái đại thần Vệ Quán cho Trung nhưng sau đó lại nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên lấy con gái đại thần khác là Giả Sung. Năm 271, thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái nhỏ của Giả Sung là Giả Ngọ lên 12, nhưng vì Giả Ngọ còn quá bé, không mặc vừa áo cưới nên Vũ Đế bèn lấy người con gái lớn của Giả Sung là Giả Nam Phong đã lên 15 tuổi làm con dâu.

Giả Nam Phong chỉ sinh được 4 công chúa, còn Tài nhân Tạ Cửu lại sinh được người con trai là Tư Mã Duật. Năm 274, hoàng hậu Dương Diễm mất, Vũ đế lập em họ Dương Diễm là Dương Chỉ làm hoàng hậu, tức là Dương hoàng hậu thứ hai. Cha của Dương hậu là Dương Tuấn được cất nhắc làm đại thần.

Sau khi diệt được Đông Ngô, thống nhất Trung Hoa, Tấn Vũ đế sa vào hưởng lạc, ít chú ý đến triều chính. Thấy Tư Mã Trung trí tuệ kém, Vũ đế cũng có lo ngại về người kế vị, bèn làm phép thử. Vũ đế giao cho ông phê thử một tập tấu sớ của các quan. Giả phi Nam Phong bèn sai người làm hộ cho Tư Mã Trung, lại khéo léo dùng lối văn chân phương nông cạn để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế theo bài mẫu chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ đế cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết nên tạm gác việc thay thái tử.

Con cả của ông là Tư Mã Duật còn nhỏ đã tỏ ra là người thông minh lanh lợi, khiến Vũ Đế rất yêu quý. Vệ Quán nhiều lần khuyên Tấn Vũ đế nên thay ngôi thái tử. Vũ đế cho rằng tuy con dốt nhưng cháu giỏi thì sau này có thể giúp con và hy vọng Duật sẽ trở thành minh quân nhà Tấn. Các sử gia Trung Quốc cho rằng tính toán này của Vũ Đế thiếu sâu sắc vì Duật không phải là con ruột của Giả phi Nam Phong nên không có gì bảo đảm cho tương lai của Duật có thể được kế vị[3].